Sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19
“Bơi trong dòng xoáy”, là chủ đề Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (Vietnam Wealth Advisor Summit 2023), lần đầu tiên do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức diễn ra chiều nay (ngày 8/8).
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhìn nhận, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Trong khi hậu quả của đại dịch Covid-19 vẫn kéo dài; thì xung đột Nga – Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt… Tất cả khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tăng cao và kéo dài, dẫn đến suy giảm tăng trưởng và cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, 52 quốc gia đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực… ngày càng gia tăng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục gây hậu quả nặng nề tại một số quốc gia, khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, điều đáng quan ngại là hiện nay, hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nhiều lĩnh vực gặp khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn sau đại dịch Covid-19, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng… |
Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới. Chúng ta đã chịu “tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập…
“Bởi thế, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay…”, Thứ trưởng trăn trở.
Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.
“Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải ‘bơi trong dòng xoáy khó khăn’. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có.”, Thứ trưởng nhìn nhận.
Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
“Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm. Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá…”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng, vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là với các dự án trọng điểm, tăng cường xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài…, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất – kinh doanh và đầu tư.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hiện nay, chúng tôi đang tập trung hướng dẫn các bộ ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Đây chính là năm cần tăng tốc bứt phá, vì vậy, Kế hoạch 2024 phải được xây dựng với yêu cầu, mục tiêu, định hướng và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ; tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025. |
Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan trung ương trên địa bàn, nhất là các dự án quốc lộ, cao tốc; hay là nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP); sử dụng chi thường xuyên thực hiện dự án có kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình hiện có…
Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược cho Đảng, Chính phủ về điều hành kinh tế vĩ mô, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ hoàn thiện thể chế và xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Dự báo, trong những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững, tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong bối cảnh ấy, theo Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao việc Báo Đầu tư lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam, với chủ đề “Bơi trong dòng xoáy”. Với các phiên thảo luận chuyên sâu để “Giải mã biến số” và “Truy tìm cơ hội”.
“Tôi hy vọng rằng, các diễn giả tham dự Diễn đàn sẽ cùng phân tích, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, những thách thức và cơ hội, các triển vọng trong tương lai, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính – ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức, đón bắt cơ hội, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển…”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.